Cần cách tiếp cận mới trong tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Báo chí truyền thông cần đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức thể hiện thông tin sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để bạn đọc dễ tiếp cận.

Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại Diễn đàn “Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 30/8/2023 tại Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, năng lượng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hệ thống báo chí đã không ngừng nâng cao chất lượng; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương tiện kỹ thuật, công nghệ làm báo trong thời đại “số hóa”. Nhờ vậy, tính hiệu quả trong tuyên truyền được nâng cao.

Tại Diễn đàn, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong công tác tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, báo chí có vai trò quan trọng trong việc đăng tải các thông tin, sự kiện chính xác và khách quan gây ảnh hưởng, định hướng dư luận, nâng cao nhận biết, sự quan tâm của người dân và thay đổi thói quen, cách nhìn nhận của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân; thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, phản biện chính sách; đồng hành và là cầu nối, kết nối doanh nghiệp với các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ.

Báo chí ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chính sách, bởi vậy việc đổi mới cách tiếp cận để truyền thông chính sách ngày càng trở nên cần thiết”, TS Phong nhìn nhận.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần đồng bộ hoá nội dung và đa dạng hoá hình thức tuyên truyền. Theo đó nội dung tuyên truyền của báo chí cần tập trung vào làm rõ các nội dung quy định về luật pháp, chủ trương, chính sách Nhà nước và giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Nổi bật là Nghị quyết số 55-NQ/TW, Chỉ thị số 29/CT-TTg về phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia bền vững… cùng các hoạt động thuộc Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó cần thúc đẩy tuyên truyền trong tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất (công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ...), chiếu sáng công cộng, đến tiêu dùng; trong hoạt động giao thông vận tải; trong các dự án đầu tư, cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hằng năm với khối lượng lớn.

Cần cách tiếp cận mới trong tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Quang cảnh Diễn đàn

Từ góc nhìn một chuyên gia tài chính, TS Vũ Đình Ánh thẳng thắn nhìn nhận, các giải pháp tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cần tập trung làm rõ lợi ích của các đối tượng sử dụng năng lượng, đặc biệt là các hộ sử dụng điện lớn mà ở đây là các doanh nghiệp.

Tuyên truyền về sử dụng tiết kiệm năng lượng lâu nay ở ta mới chỉ chú ý khâu đầu vào của doanh nghiệp mà hầu như ít thấy nói ở khâu đầu ra, tức là các sản phẩm làm ra sẽ sử dụng hoặc tiêu tốn ít năng lượng. Đó mới là cái cần nói, cần tuyên truyền”, TS Ánh nêu quan điểm.

Ông Ánh nhìn nhận, việc truyền thông sử dụng tiết kiệm năng lượng cũng cần gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là đối với những ngành sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, xi măng.

Theo ông Ánh, điều khiến ông băn khoăn là các văn bản về tiết kiệm năng lượng hiện nay hầu hết đều thiên về các công cụ kỹ thuật, công nghệ trong khi các công cụ kinh tế còn ít được nhắc đến.

Tiết kiệm bây giờ không hẳn là dùng ít đi hay thậm chí là không dùng. Lợi ích từ việc tiết kiệm năng lượng sẽ là thế nào, đây cũng là điều cần được làm ”, TS Ánh nói.

Cũng tại Diễn đàn, các chuyên gia Trần Đình Thiên, Vũ Đình Ánh và một số chuyên gia đồng quan điểm cho rằng, cần làm rõ ranh giới của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bởi đây là hai lĩnh vực tuy có nhiều điểm chung song vẫn có những nội hàm khác nhau.

Cùng đó quan điểm thế nào là tiết kiệm trong bối cảnh mới cũng được làm rõ bởi thị trường điện ở Việt Nam ngày nay đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là các chủ thể sản xuất điện.

Trong khi đó, theo ông Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, để việc tuyên truyền sử dụng năng lượng hiệu quả cần xác định được mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài.

"Mục tiêu trước mắt là cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người dân”, ông Hùng nêu.

Về mục tiêu lâu dài của việc tuyên truyền, theo ông Đồng Mạnh Hùng, báo chí cần thông tin làm sao để các chủ trương, chính sách về sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng được thực hiện và đi vào cuộc sống.

Muốn vậy truyền thông phải có những giải pháp cụ thể để khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia tích cực của tất cả các khách hàng sử dụng điện trên phạm vi toàn quốc.

Quang Lộc

Lượt xem: 71
Nguồn:https://congthuong.vn/can-cach-tiep-can-moi-trong-tuyen-truyen-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua-269582.html Sao chép liên kết