Tận dụng các tiềm năng lớn mà Hiệp định CPTPP mang lại

Đó là nhận định của ông Ngô Chung Khanh - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) tại hội thảo CPTPP – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam do Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức, với sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP và hơn 300 đại biểu.

Chia sẻ về sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), doanh nghiệp Việt Nam cần phải tận dụng các cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại về ưu đãi thuế, cải cách thể chế để mở rộng thị trường. Quan trọng hơn, doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới để có thể “đào” được “mỏ vàng” ngay trong nước, đó là tận dụng được thị trường đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân mà rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang muốn cạnh tranh.

Ông Ngô Chung Khanh nêu thực tế và nhấn mạnh, khi tham gia CPTPP, doanh nghiệp Việt cần đấu tranh để giành lại thị trường từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, chứ không thể để tình trạng “ngồi trên đống vàng nhưng chưa tận dụng được” như hiện nay.

Tại phiên tọa đàm thứ hai, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, đối với ngành da giày, chủ yếu gia công xuất khẩu nên tính chủ động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế, khách hàng chủ động tìm đến doanh nghiệp.

Vấn đề tầm nhìn và xây dựng chiến lược vẫn là điểm yếu của doanh nghiệp. Việc cần làm là tiếp cận thông tin, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính thống, kết nối net-working. Nếu doanh nghiệp không liên kết với nhau thì không thể tiếp cận các thông tin được. 

Một điểm nữa, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng: “Khi miếng bánh thị phần mở rộng, mà cơ sở hạ tầng không đáp ứng được thì chúng ta cũng không được chia phần. Ngành da giày, túi xách hướng đến đẩy kim ngạch lên gấp 2 lần (20%) khi tham gia CPTPP”.

Vì vậy, về phía cơ quan nhà nước, cần xem xét lại cơ sở hạ tầng, logistics. Khi xuất khẩu thì các vị thế logistics là rất quan trọng, bà Xuân kiến nghị.Đề cập đến vấn đề tuân thủ các qui định quốc tế trong quá trình tham gia các hiệp định thương mại tự do, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, dẫn ra câu chuyện "thẻ vàng" của EU đối với thủy sản Việt Nam là bài học lớn mà các doanh nghiệp cần phải lưu tâm.

Ông Thành cho rằng các doanh nghiệp cần phải nắm được các qui định có liên quan tới doanh nghiệp mình, và tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó. Chẳng hạn như khi Việt Nam xuất khẩu thủy sản, không chỉ đảm bảo rằng đó là sản phẩm sạch mà còn phải đảm bảo cả về qui trình đánh bắt, tính hợp pháp của vùng biển đánh bắt và phải đáp ứng cả yêu cầu về môi trường.

Ngày 12/11/2-18 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, với 100% đại biểu tán thành. Như vậy, với quyết định của Quốc hội, Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn CPTPP, một trong những hiệp định thương mại thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực với 6 nước (gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia) từ ngày 30-12-2018 tới đây; có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Đây được xem là Hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba thế giới hiện nay.

Lượt xem: 329
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...